Các chuyên gia toàn cầu cảnh báo rằng mối quan tâm về COVID-19 có nguy cơ làm giảm sự chú ý về cúm gia cầm trong khi các ca nhiễm ‘cúm gia cầm’ đang gia tăng, đe dọa ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới.

Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe và các đối tác đang tiếp tục giám sát chặt chẽ sự lây lan của bệnh cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) (còn được gọi là ‘cúm gia cầm’) ở một vùng rộng lớn trên thế giới. Cúm gia cầm hiện đang có tác động nghiêm trọng đến chăn nuôi gia cầm, đến sức khỏe và an ninh lương thực. Sự lây lan và phân bố rộng rãi của vi rút vẫn là một mối đe dọa thường trực đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.

Sự biến động của dịch bệnh có ảnh hưởng trên quy mô rộng từ Đông Nam Á, qua Trung và Nam Á sang Trung Đông và Châu Âu. Cũng có sự bùng phát dịch bệnh ở châu Phi, đặc biệt là Tây Phi. Ca bệnh đầu tiên đã được ghi nhận gần đây ở Bắc Mỹ, đây là lần thứ hai nhóm vi rút độc lực cao đến được châu lục này.

Giám sát vi rút

Vi rút cúm gia cầm liên tục biến đổi và lây lan trên diện rộng là do các loài chim di cư và sự lây lan giữa các điểm nuôi nhốt gia cầm, bao gồm cả các trang trại và chợ gia cầm sống. Điều này khẳng định tầm quan trọng của hoạt động giám sát được thiết lập trong Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe (Hub). Hoạt động giám sát có sử dụng các chẩn đoán liên quan và chú trọng thời gian phân tích.

Các đối tác trong Hub đang tiếp tục hợp tác rất chặt chẽ ở quy mô quốc tế để giám sát mối đe dọa dịch bệnh từ các chủng H5 đang lưu hành, đặc biệt là một nhóm thuộc clade 2.3.4.4b, bao gồm các phân nhánh H5N1, H5N6 và H5N8. Về nguyên tắc, những chủng này được coi là có nguy cơ thấp đối với sức khỏe cộng đồng, nhưng vẫn cần phải cảnh giác. Các ca nhiễm ở người được báo cáo ở Trung Quốc, Nga và Tây Phi cho thấy nên có biện pháp cảnh báo.

Rõ ràng là từ những đợt dịch bệnh mới xuất hiện này, mối đe dọa toàn cầu từ cúm gia cầm độc lực cao đã gia tăng đáng kể. Bệnh Cúm gia cầm có tính chất gây bệnh theo mùa và theo vùng (thường xuyên ảnh hưởng đến các loài gia cầm trong một khu vực hoặc mùa xác định) ở nhiều quốc gia, bao gồm cả ở Bangladesh và Việt Nam, nơi Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe đang tiến hành nghiên cứu. Bệnh cũng xảy ra hàng năm ở những nơi chưa có tiền sử bệnh, như là ở Vương quốc Anh.

Các đối tác quốc tế, bao gồm cả mối quan hệ thông qua OFFLU và có liên quan tích cực đến các đối tác trong Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe, đang tìm cách giám sát sự xuất hiện và lây lan của vi rút. Tuy nhiên, có nhiều thiếu hụt về kiến thức làm giảm khả năng vẽ bản đồ và khái quát toàn bộ những diễn biến bệnh, bao gồm cả các yếu tố khiến vi rút biến đổi. Vì thế, cần phải có đầu tư nghiên cứu sâu hơn nữa về cúm gia cầm.

Kiểm soát dịch bệnh

Có những thiếu hụt cơ bản về kiến thức liên quan đến các nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của vi rút cúm gia cầm, đặc biệt là về nhóm vi rút ở các loài chim hoang dã và gia cầm. Trong khi tiêm phòng cho gia cầm giữ vai trò quan trọng đối với việc kiểm soát toàn cầu, thì các hệ thống và cấu trúc nhất quán để theo dõi và giám sát nhanh vi rút cần được phát triển để đảm bảo các giải pháp phù hợp trên toàn cầu.

Chúng ta cần một kế hoạch chi tiết cho khu vực và cho toàn cầu để tạo nên sự gắn kết giữa sử dụng tốt nhất công nghệ mới và vắc-xin cúm gia cầm đối với các chủng vi-rút lưu hành tại bất kỳ thời điểm nào – giống như nỗ lực hiện đang được thực hiện với phát triển vắc-xin COVID-19. Cho đến khi điều đó được thực hiện, các phương án kiểm soát và giảm thiểu hậu quả vẫn còn hạn chế và tình trạng bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng vẫn tiếp diễn.

Tuy nhiên, trong khi các loài chim hoang dã được biết đến như là tác nhân chính làm lây lan vi rút cúm gia cầm, nhiều yếu tố khác, bao gồm hành vi của con người và văn hóa của mỗi nước, được biết đến như là nguyên nhân góp phần vào sự xuất hiện, tồn tại và lây lan của vi rút. Chúng ta cũng cần đầu tư nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Kiểm soát không chỉ là tiêm phòng – mà còn cần hiểu rõ hành vi và những điều có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát.

Có thể hiểu, giữa cuộc khủng hoảng lớn đối với sức khỏe con người do đại dịch COVID-19, sự chú ý dành cho bệnh cúm gia cầm có khả năng bị chuyển hướng. Mặc dù vậy, các ổ dịch cúm gia cầm hiện tại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu và mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu đối với bệnh cúm gia cầm – bao gồm cả sự hiểu biết sâu sắc hơn về mối đe dọa luôn hiện hữu mà nó gây ra đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới.

Giáo sư Ian Brown và Giáo sư Nicola Lewis là Giám đốc và Phó giám đốc của Phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế của OIE/FAO về bệnh cúm gia cầm, cúm lợn và bệnh Newcastle. Ngoài ra, Giáo sư Brown là Chủ tịch ban chỉ đạo OFFLU và Giáo sư Lewis là chỉ đạo hoạt động kỹ thuật của OFFLU về thành phần vắc xin của WHO.