Các công trình khoa học quốc tế chủ chốt, bao gồm cả các nghiên cứu về sự lây lan của vi rút, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc cắt giảm kinh phí.

Với những tham vọng được nêu ra trong các đánh giá tổng hợp của chính phủ về “Nước Anh toàn cầu trong thời đại cạnh tranh”, bạn có thể tin rằng các nghiên cứu về nguyên nhân, giám sát và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm mới nổi có khả năng gây ra đại dịch đang được thực hiện khá nghiêm túc ở cấp cao nhất. Chính phủ sẽ “dựa trên các bài học của đại dịch Covid-19 để cải thiện việc sử dụng dữ liệu nghiên cứu của chúng tôi trong dự đoán và ứng phó với các khủng hoảng trong tương lai”, đồng thời dự định “hướng tới các phương pháp tiếp cận khoa học hơn đối với các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt”. Và sau tuyên bố đó là gì.

Cuối cùng thì thực tế rất khác biệt. Đánh giá tổng hợp được công bố 5 ngày sau khi Hội đồng Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh (UKRI), cơ quan đại diện cho bảy Hội đồng nghiên cứu của Vương quốc Anh, đăng một bức thư ngỏ giải thích rằng việc phân bổ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã bị cắt giảm và hiện thâm hụt 120 triệu bảng Anh trong ngân sách được cam kết dành cho các nghiên cứu đang được thực hiện. Điều này đã khiến chương trình nghiên cứu do tôi chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe, bị cắt giảm 70% kinh phí nghiên cứu.

Chúng tôi gồm một mạng lưới với 27 Viện nghiên cứu tại 10 quốc gia. Công việc của chúng tôi thầm lặng và đòi hỏi sự phối hợp và lập kế hoạch tỉ mỉ giữa các nhóm nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực, bao gồm xã hội, thú y, y tế, sinh học và toán học. Chúng tôi nghiên cứu về chăn nuôi gia cầm ở các khu vực chính của Nam và Đông Nam Á, lập bản đồ và định lượng sự lưu chuyển gà và người ở các mạng lưới sản xuất và phân phối gia cầm khác nhau, tiến hành các cuộc điều tra phỏng vấn để hiểu về những ràng buộc chi phối các hành vi của những người chăn nuôi, người buôn bán, giết mổ và tiêu thụ gà, thu thập các mẫu sinh phẩm của gà, của người và môi trường, phân lập và xác định đặc điểm của vi khuẩn và vi rút có thể lây truyền từ gà sang người và các gen kháng kháng sinh.

Việc tích hợp các chuỗi dữ liệu này cho phép chúng tôi hiểu được phương thức và căn nguyên khiến cho các mầm bệnh gây bệnh cho con người xuất hiện, nhân lên và lây truyền, đồng thời xác định các hành vi và hệ thống gây ra những nguy cơ cao nhất cho sức khỏe, và thử nghiệm các biện pháp can thiệp làm giảm khả năng lây lan dịch bệnh sang người.

Trung tâm của chúng tôi nghiên cứu về nguy cơ sức khỏe của cộng đồng có liên quan đến thâm canh chăn nuôi gà trên toàn cầu, bao gồm Cúm gia cầm (có khả năng gây đại dịch) và “đại dịch thầm lặng” của kháng kháng sinh. Các nguy cơ này được Tổ chức Y tế Thế giới xác định trong tốp 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu và được cựu Bộ trưởng Đảng Bảo thủ Jim O’Neill dự đoán có khả năng là nguyên nhân gây ra 10 triệu ca tử vong ở người vào năm 2050. Covid-19 là đại dịch gần đây nhất xuất hiện từ sự tương tác giữa người và động vật trong hệ thống sản xuất thực phẩm, nhưng nó sẽ không phải là đại dịch cuối cùng. Đáng buồn thay, tôi đã dành cả tháng qua để cố gắng xác định những phần trong chương trình nghiên cứu của chúng tôi có thể cắt bỏ được, trong khi sự thật là không có phần nào trong số đó nên cắt bỏ.

Các chương trình nghiên cứu (Hub) do Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (GCRF) tài trợ, tập hợp chuyên môn của các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới của Vương quốc Anh và các chuyên gia trong cùng lĩnh vực ở các nước đang phát triển nhằm giải quyết những thách thức dai dẳng nhất trên toàn cầu. GCRF không phù hợp với một hình ảnh khuôn mẫu về viện trợ của Vương quốc Anh. Đây là một tập hợp các chương trình tiên tiến được xem xét và quản lý chặt chẽ nhằm nuôi dưỡng quan hệ đối tác quốc tế, xây dựng các phương pháp tiếp cận chung và hỗ trợ định vị Vương quốc Anh ở trọng tâm của trao đổi kiến thức, đổi mới và nghiên cứu toàn cầu. Một trong những điều thất vọng và đáng buồn nhất đối với các chương trình nghiên cứu (Hubs) là họ đang thực hiện chính xác những gì chính phủ cam kết là ưu tiên cho “Nước Anh toàn cầu”, nhưng gần như đồng thời ngân sách của các chương trình nghiên cứu lại bị cắt giảm.

Vào giữa năm 2017, Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn Cầu (GCRF) đã kêu gọi các nhà nghiên cứu Vương quốc Anh đưa ra những hướng đi tham vọng nhằm giải quyết những thách thức khó khăn nhất mà nhân loại phải đối mặt – biến đổi khí hậu, xung đột, gia tăng dân số, đô thị hóa, gia tăng bất bình đẳng, và sức khỏe toàn cầu. Hưởng ứng với lời kêu gọi là rất lớn, có khoảng 250 đề xuất nghiên cứu được gửi. Những chương trình nghiên cứu này phải tuân theo nhiều khâu giám sát và phê duyệt và sau đó là 16 tháng đánh giá, sàng lọc và phỏng vấn sâu. Quy trình thẩm định các đề xuất nghiên cứu này hoàn toàn trái ngược với quyết định nhanh chóng của chính phủ Anh khi chi 37 tỷ bảng Anh tiền ngân sách cho xét nghiệm và truy vết Covid-19. Sau khi hoàn tất quá trình thẩm định, kết thúc quá trình cạnh tranh khốc liệt, hàng chục chương trình nghiên cứu liên ngành (Hub) đã được Hội đồng Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh (UKRI) tài trợ trong 5 năm với khoản đầu tư 200 triệu bảng Anh. Các chương trình nghiên cứu này đã bắt đầu thực hiện từ tháng 3 năm 2019 với nhiệt huyết: “Câu trả lời của chúng tôi cho một số thách thức cấp bách nhất trên thế giới… để làm cho thế giới và Vương quốc Anh trở nên an toàn hơn, lành mạnh hơn và thịnh vượng hơn”.

Ngày 31 tháng 3 năm 2021, các Giám đốc chương trình nghiên cứu đã được UKRI thông báo rằng tất cả kinh phí cho các chương trình nghiên cứu của họ sẽ bị cắt giảm khoảng 70% trong năm 2021-2022, và quyết định có hiệu lực vào ngày hôm sau. Nhưng đó là sự thật, không phải là lời tuyên bố trong ngày cá tháng tư. Nếu chúng tôi không chấp nhận nó, chúng tôi được thông báo là có thể kết thúc chương trình nghiên cứu của mình.

Một mục tiêu chính của GCRF là hướng tới tăng cường mạng lưới nghiên cứu quốc tế và đổi mới sáng tạo trong phản ứng nhanh đối với các trường hợp khẩn cấp. Đây cũng là mục tiêu của Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe. Khi Covid-19 tấn công, chỉ một năm sau khi chương trình nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện, chúng tôi nhanh chóng chuyển nguồn lực sang nghiên cứu sự phản hồi với Covid ở Vương quốc Anh và ở Châu Á, đồng thời vẫn duy trì các nghiên cứu theo kế hoạch ban đầu bởi vì chúng tôi nhận thấy các mối đe dọa từ Cúm gia cầm và kháng kháng sinh vẫn luôn nghiêm trọng.

Chúng tôi không biết tại sao Bộ Thương Mại, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp lại nhắm vào GCRF với mức cắt giảm sâu như vậy; cam kết ODA giảm từ 0.7% xuống 0.5% tổng thu nhập quốc dân nhưng kinh phí của tất cả 12 chương trình đã bị cắt hơn gấp đôi mức giảm này. Bộ và chính phủ có biết rõ phạm vi nghiên cứu của các Trung tâm này? Các quan hệ đối tác mà họ thiết lập? Danh tiếng mà họ mang lại? Các Bộ trưởng có nhận thấy tác động của việc cắt giảm đối với danh tiếng như một đối tác đáng tin cậy của Vương quốc Anh trên chính trường quốc tế không?. Bất chấp những nỗ lực và đề xuất tham gia thảo luận với chính phủ để xây dựng một tầm nhìn chung về tương lai, các Giám đốc Trung tâm và những người quản lí ngân sách do GCRF cấp cho đến nay vẫn chưa có được những phản hồi mang tính xây dựng. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng điều này sẽ thay đổi khi tình hình lắng xuống; cánh cửa chắc chắn vẫn mở để chúng ta cùng nhau xây dựng trở lại tốt đẹp hơn.

Giáo sư Fiona Tomley, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một Sức Khỏe