TÓM TẮT

Một công nghệ mới trong phòng thí nghiệm đã được xây dựng nhằm phát hiện tồn dư kháng sinh trên lông gà. Công nghệ này được thiết lập giúp miêu tả một bức tranh đầy đủ hơn so với những phương pháp hiện có về việc sử dụng và lạm dụng kháng sinh trong ngành chăn nuôi gia cầm. Kết quả thu được sẽ là thông tin quan trọng để tham mưu chính sách và cải thiện thực hành chăn nuôi nhằm giải quyết sự gia tăng của ‘siêu vi khuẩn’.

Nhu cầu về thịt và trứng gà ở châu Á và các khu vực khác trên thế giới ngày càng cao. Trong những năm gần đây, gia cầm đã vượt qua lợn để trở thành một trong những loài cho sản lượng thịt  nhiều nhất trên thế giới.  Dự báo sản lượng thịt gà thế giới tăng 48% trong giai đoạn 2017-2050, trong đó 71% tăng trưởng dự kiến sẽ ở khu vực châu Á. Để đạt mức tăng trưởng này, chăn nuôi thâm canh đã gia tăng nhanh chóng, ví dụ, một số cơ sở chăn nuôi ở Đông Nam Á hiện có qui mô 100 triệu con gia cầm mỗi năm.

Tuy nhiên, trong khi việc thâm canh chăn nuôi có thể giúp đáp ứng nhu cầu về thịt và trứng gà, quá trình chăn nuôi thường gắn liền với việc sử dụng ngày càng nhiều các loại thuốc kháng sinh, đặc biệt là ở các nước châu Á. Các loại thuốc này được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa bệnh ở gia cầm. Đôi khi, thuốc kháng sinh cũng được sử dụng làm chất kích thích tăng trưởng ở khu vực châu Á.  Việc sử dụng kháng sinh như vậy đã bị cấm ở Liên minh Châu Âu.

Kháng kháng sinh

Những thực hành này đang góp phần vào mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Đó là kháng kháng sinh (AMR). Việc lạm dụng và sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh dẫn đến việc điều trị trở nên không hiệu quả vì vi khuẩn cần diệt trừ hình thành các gen kháng thuốc. Kháng kháng sinh dẫn đến sự gia tăng của ‘siêu vi khuẩn’ và các bệnh nhiễm trùng không thể điều trị ở động vật và người. Tổ chức Y tế thế giới đã gọi kháng kháng sinh là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng hàng đầu mà nhân loại phải đối mặt.

Mỗi quốc gia có những nỗ lực cụ thể nhằm giảm sự xuất hiện của các gen kháng thuốc như là qui định về dư lượng kháng sinh trong các loại thịt bán ra thị trường. Ví dụ: có thể đưa ra ‘giới hạn dư lượng tối đa’, trong đó nêu rõ mức tồn dư tối đa của thuốc kháng sinh có thể có trong thịt gà khi bán ra thị trường và được coi là an toàn cho người tiêu dùng. Điều này thường ở một số quốc gia hoặc tổ chức cụ thể mà không phải trên toàn thế giới.

Thịt an toàn

Để đảm bảo thịt an toàn,  ‘thời gian ngừng sử dụng kháng sinh’ – khoảng thời gian tối thiểu từ khi cho động vật dùng liều thuốc kháng sinh cuối cùng cho đến khi động vật đó được giết mổ và chế biến thành thịt – cũng được áp dụng. Thời gian này khác nhau tùy theo loài động vật và loại kháng sinh. Tuy nhiên, có nhiều loại kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi gia cầm trên khắp châu Á và việc đảm bảo an toàn cho người tiêu thụ thịt gà và các sản phẩm từ thịt gà vẫn là một thách thức. Yêu cầu người chăn nuôi gà khai báo chi tiết về việc sử dụng kháng sinh cho gà là một cách để đảm bảo cho thịt an toàn. Xét nghiệm dư lượng kháng sinh trong các mẫu thịt cũng là một giải pháp.

Tuy nhiên, người chăn nuôi vì nhiều lý do có thể không phải lúc nào cũng cung cấp đầy đủ thông tin. Và xét nghiệm các mẫu thịt chỉ có hiệu quả nhất định vì ‘bộ nhớ’ về việc sử dụng kháng sinh ở gia cầm sống chỉ thể hiện rõ trên thịt gia cầm trong một thời gian giới hạn – từ hai đến 14 ngày, tùy thuộc vào loại thuốc kháng sinh. Sau thời gian này, các phương pháp phòng thí nghiệm hiện tại không thể phát hiện ra chúng – mặc dù thịt vẫn có thể chứa các gen kháng thuốc.

Nhận thấy những hạn chế của các kỹ thuật hiện tại, các nhà khoa học đã chuyển sự chú ý sang lông gà – một sản phẩm gia cầm thường bị bỏ qua. Nhóm nghiên cứu ở Luân đôn đã sử dụng các phương pháp chưa được công bố trước đây để điều chỉnh một kỹ thuật hiện đang được sử dụng để phát hiện kháng sinh trong sữa tại các trang trại bò sữa – cụ thể là “phân tích dòng chảy ngang”. Các mẫu lông được ngâm trong dung dịch đệm để chiết xuất chất kháng sinh. Sau đó, dung dịch đệm được chạy qua một loạt các dải chỉ thị để phát hiện kháng sinh, mỗi dải phát hiện bốn nhóm hoặc loại thuốc kháng sinh. Bằng cách này, nhóm nghiên cứu đã có thể xác định, ở cấp độ nhóm, chất kháng sinh trên bề mặt của lông gà.

Qui trình xét nghiệm tồn dư kháng sinh ở lông gà. Minh họa: Sophie Hedges.

Việc dễ dàng tiếp cận với máy móc có thể dẫn đến sự phát triển của các phương pháp 'tại thực địa' và cung cấp thêm dữ liệu cho cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh

Cách tiếp cận sáng tạo này, kết hợp với xét nghiệm thịt gà và kê khai của người chăn nuôi, cho phép miêu tả cặn kẽ hơn về việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gà. Mặc dù dư lượng kháng sinh trong thịt gà cho thấy ‘ảnh chụp nhanh’ kịp thời, nhưng xét nghiệm tồn dư kháng sinh ở lông gà có thể cho biết lịch sử sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Kỹ thuật này có thể được chuyển giao cho các phòng thí nghiệm khác nhau trên khắp thế giới với một khoản đầu tư nhỏ vào thiết bị và nguồn lực. Việc dễ dàng tiếp cận với máy móc có thể giúp phát triển các phương pháp ‘tại thực địa’ và cung cấp thêm dữ liệu cho cuộc chiến chống kháng kháng sinh. Người chăn nuôi, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan có thể sử dụng thông tin này để tham mưu cho cả chính sách và cải thiện thực hành chăn nuôi nhằm giảm sự phát triển và lan truyền của kháng kháng sinh.

Các phương pháp này hiện đang được thẩm định, với các kết quả thử nghiệm trên một phần của các nghiên cứu đang triển khai. Khoảng 500 mẫu lông gà đang được phân tích bằng các “kỹ thuật dòng chảy ngang” và bản thân phương pháp này sẽ được xác thực bằng kết quả sắc ký lỏng khối phổ (LCMS).

Sau khi thẩm định thành công, các phương pháp này có thể được đưa ra thị trường như một công cụ mới để xác định tồn dư kháng sinh. Kết quả sẽ cho thấy một cách chi tiết hơn tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm và ảnh hưởng của tình trạng này đối với sự gia tăng của các gen kháng thuốc trong nông nghiệp và y tế.

  • Ảnh trên cùng Congerdesign từ Pixabay

Nghiên cứu trong khuôn khổ hợp tác giữa các đối tác của dự án Nghiên Cứu Gia Cầm Một Sức Khỏe tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore và Đại học Thú y Hoàng gia, Vương quốc Anh.

Dữ liệu được thu thập tại thực địa ở Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ.

Thêm thông tin