Tất cả bắt đầu vào năm 2020. Tôi nhớ rất rõ những báo cáo đầu tiên về dịch bệnh. Là một nhà dịch tễ học lâu năm làm việc trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật, tôi đã được hỏi về những đánh giá về dịch bệnh mới nổi này.

Tôi cho biết tôi cảm thấy không có báo cáo nào về sự lây truyền từ người sang người, có nghĩa là chúng ta không phải lo lắng về loại vi rút mới này.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, vào giữa tháng giêng, rõ ràng là loại vi rút mới này đã lây truyền từ người sang người, và sau đó mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng.

A woman in a mask walks past the closed seafood market following the coronavirus outbreak
Chợ Vũ Hán đã đóng cửa, nơi COVID-19 được cho là đã xuất hiện. Hình ảnh: Sistema 12 (cc x 4.0)

Bất kể những suy đoán về nguồn gốc của vi rút và những sai sót ban đầu khi ứng phó với dịch bệnh mới nổi này, các biện pháp ứng phó có hiệu quả cao của Trung Quốc vào cuối tháng 1 đã làm giảm đáng kể sự lây lan dịch bệnh trên khắp Trung Quốc và sự lây lan sang các quốc gia khác. Nếu không có điều này, một thảm kịch toàn cầu sẽ xảy ra sớm hơn nhiều. Ứng phó nhanh của Trung Quốc giúp các quốc gia khác ít nhất có thêm thời gian để chuẩn bị về chính sách kiểm soát và phát triển vắc xin.

Cũng rất ấn tượng khi thấy cộng đồng khoa học toàn cầu đã ứng phó với thách thức của SARS CoV2, trên phương diện thu thập dữ liệu về bệnh, chẩn đoán bệnh cũng như những tiến triển về lâm sàng, dịch tễ học và tác động của các biện pháp can thiệp khác nhau, bao gồm cả phát triển vắc-xin.

Sự phối hợp quốc tế, thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng rất quan trọng, trong đó WHO có vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy sự chia sẻ thông tin.

Một sức khỏe

Tuy nhiên, sau một loạt các đợt bùng phát dịch bệnh lây truyền từ động vật được ghi nhận rộng rãi trong 30 năm qua, bao gồm dịch cúm gia cầm năm 1997, dịch SARS năm 2003, cúm lợn năm 2009, Ebola năm 2013-16 và Zika năm 2015-16, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 cũng cho thấy một số thất bại.

Đáng chú ý, đại dịch Covid cũng khẳng định một lần nữa sự cần thiết phải áp dụng phương pháp tiếp cận liên ngành nếu chúng ta muốn giảm đáng kể nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lại.

Khái niệm Một sức khỏe cung cấp một nền tảng về cách tiếp cận hiệu quả hơn đối với khoa học và xây dựng chính sách. Một sức khỏe hiện đã được biết đến rộng rãi và được chấp nhận về mặt chính trị. Nhưng chỉ có những tiến bộ nhỏ được ghi nhận trong việc áp dụng nó và điều này chỉ xảy ra ở một số ít quốc gia.

Khi đó, chúng không đủ để các quốc gia này, chưa nói đến cộng đồng toàn cầu, ứng phó hiệu quả hơn với hiệu ứng giống như sóng thần của đại dịch COVID-19.

Có lẽ chúng ta cũng không nên ngạc nhiên. Chúng ta biết rằng để mang lại những thay đổi lớn về thể chế là không hề dễ khi mà động cơ “duy nhất” là ngăn chặn dịch bệnh có thể xảy ra – hoặc không.

Chúng ta chỉ hy vọng rằng đại dịch đã cung cấp đầy đủ bằng chứng cho cộng đồng toàn cầu về sự cần thiết phải áp dụng khẩn cấp biện pháp quản trị rủi ro Một sức khỏe thực sự, và điều này cũng cần phải thực hiện trên quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, tôi lo lắng rằng tất cả chúng ta sẽ kiệt quệ về mặt tinh thần một khi đại dịch được kiểm soát, hy vọng vào năm 2022. Tôi cũng e ngại rằng sẽ có hạn chế về tham vọng chính trị đối với những thay đổi. Điều đó có thể gây ra những hậu quả thậm chí còn bi thảm hơn những gì mà chúng ta đã thấy với SARS CoV2.

Ngành chăn nuôi

Một công việc quan trọng trong quản trị rủi ro Một sức khỏe- và không bị cản trở bởi sự kiệt quệ sau đại dịch – là đánh giá hệ thống lương thực thực phẩm ở mỗi quốc gia và trên toàn cầu.

Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs) cung cấp một nền tảng và các số liệu để có thể sử dụng trong quá trình đánh giá. Thật đáng thất vọng khi cộng đồng toàn cầu đã không tạo được nhiều nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của các mục tiêu phát triển bền vững và các nhà hoạch định chính sách đã thất bại trong việc gắn kết các quyết định chính sách của họ với các mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng điều đó có thể thay đổi.

Với các hệ thống lương thực thực phẩm, chúng ta cần phải làm rõ vai trò của chăn nuôi.

Cần có những thay đổi lớn như một phần của các biện pháp ngăn ngừa sự xuất hiện của đại dịch tiếp theo. Thật là sai lầm nếu chỉ tập trung một cách đơn giản vào việc phát hiện sớm mầm bệnh ở động vật hoang dã, cùng với việc quản lý mối tương tác giữa động vật hoang dã, con người và vật nuôi.

Mầm bệnh là một phần tự nhiên của hệ sinh thái, và chúng không thể bị loại bỏ. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải sống chung với chúng, đó chính là việc mà mọi người đã luôn làm trước đó.

Điều thay đổi sau này là con người chúng ta đã tạo điều kiện cho mầm bệnh có thể lây lan nhanh hơn trong một số loài nào đó bằng cách tăng cả mật độ loài và cơ hội tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp trong và giữa các loài. Điều này có thể thấy ở nơi con người sống trong các siêu đô thị cũng như trong chăn nuôi công nghiệp.

Siêu đô thị là môi trường lý tưởng để truyền bệnh. Credit: Jo Sau/Flickr

Hệ thống thực phẩm tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan rất phức tạp, có ở khắp nơi và có nhiều hình thức. Ví dụ, nơi có nhu cầu tiêu thụ thịt cao như các trung tâm đô thị, sẽ làm gia tăng các vùng chăn nuôi ở khu vực lân cận trung tâm đó nhưng cũng có thể ở xa hơn nếu mạng lưới giao thông thuận lợi. Và nếu nó là một siêu đô thị, sự gia tăng vùng chăn nuôi trong khu vực lân cận có thể rất lớn, liên quan đến sự kết hợp của các trang trại nhỏ, vừa, lớn và rất lớn. Các trang trại này thường kém an toàn sinh học, được kết nối với người tiêu dùng thông qua một mạng lưới phân phối phức tạp gồm những người vận chuyển, lái buôn, người bán thịt, người bán lẻ và hơn thế nữa.

Đương nhiên, các mầm bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả các mầm bệnh lây truyền từ động vật, sẽ lây lan rất nhanh trong một hệ thống như vậy. Điều này đã được chứng minh ở nhiều đợt dịch cúm gia cầm khác nhau.

Các hệ thống chăn nuôi này cần phải thay đổi, đó là điều không phải nghi ngờ, không chỉ vì nguy cơ xuất hiện dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người mà còn vì tác động tiêu cực trực tiếp và gián tiếp đến môi trường mà các hệ thống này mang lại, cũng như sự suy giảm về phúc lợi của động vật.

Thay đổi công bằng

Chúng ta cần nhận ra rằng thâm canh chăn nuôi cuối cùng là do nhu cầu tiêu thụ thịt ngày càng gia tăng của người thành thị. Chúng ta cần khẩn trương xem xét làm thế nào chúng ta có thể đảo ngược xu hướng đó – và quan trọng là làm điều đó một cách công bằng.

Các quốc gia có thu nhập cao hoặc người tiêu dùng ở đó không nên thoải mái xác định những tiêu chí vì lợi ích của mình.

Ngoài ra, chúng ta cần phải thay đổi cách chăn nuôi, và có thể cần phải thay đổi đáng kể. Đó là phải cân nhắc những yêu cầu về điều kiện chăn nuôi và tiêu chuẩn cho phúc lợi động vật, cách chúng ta quản lí bệnh động vật, cách chế biến và phân phối thịt trên thị trường và thậm chí cả cách sử dụng thịt.

Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe với mục tiêu giải quyết tất cả những vấn đề này trong chăn nuôi gà, thông qua nghiên cứu ở bốn quốc gia có sự khác biệt về quan điểm xã hội và sinh thái ở châu Á. Mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi là cung cấp thông tin về sản xuất thịt và trứng gà an toàn và bền vững hơn.

Vào ngày kỷ niệm đầu tiên tuyên bố về đại dịch – và với những đợt bùng phát dịch cúm gia cầm đang diễn ra trên toàn thế giới – chúng tôi tự hào vì có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu ngăn chặn đại dịch.