Khái niệm Một sức khỏe không phải là mới, và mối liên hệ giữa môi trường và sức khỏe con người đã được nhận biết từ hàng nghìn năm trước. An toàn sinh học về cơ bản là vấn đề Một sức khỏe. Về cốt lõi, an toàn sinh học là quản lý rủi ro.

Chúng ta biết rằng một số bệnh động vật có thể gây ra hậu quả trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người – ví dụ như các bệnh lây truyền từ động vật sang người do một số vi rút cúm; cũng như ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sự thịnh vượng. Chúng tôi cũng biết một số dịch bệnh động vật có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế và sự thịnh vượng, bao gồm cả thiệt hại về năng suất và thương mại.

Chúng ta cũng cần xem xét các hậu quả sâu xa hơn sức khỏe, phúc lợi và sự thịnh vượng của động vật và con người. Đó là các tác động trực tiếp và gián tiếp mà sức khỏe động vật có thể gây ra đối với môi trường. Và ngược lại, chúng ta không thể bỏ qua những tác động trực tiếp và gián tiếp của sức khỏe con người và môi trường đến sức khỏe và phúc lợi động vật.

Xuất hiện các nguy cơ

Bằng cách áp dụng cách tiếp cận Một sức khỏe, nguy cơ về an toàn sinh học có thể được đánh giá và quản lý một cách hiệu quả và toàn diện nhất.

Ngoài việc tìm cách giảm thiểu tác hại, tôi nghĩ điều quan trọng cần lưu ý là an toàn sinh học tốt mang lại giá trị tích cực – cải thiện sức khỏe và phúc lợi, tăng năng suất, hỗ trợ an ninh lương thực và tăng cường sự thịnh vượng.

Quản lý các mối đe dọa và tối ưu hóa sức khỏe sẽ trở nên quan trọng hơn. Chúng ta đang sống và làm việc trong một thế giới đang chịu áp lực ngày càng lớn và nơi mà các nguy cơ về an toàn sinh học không ngừng phát triển và xuất hiện. Phần lớn các nguy cơ là do hành vi của con người thúc đẩy. Khi những mối đe dọa này tiếp tục tăng cả về quy mô và tần suất, tính cấp thiết của việc áp dụng các phương pháp tiếp cận Một sức khỏe, ít nhất là để theo kịp tốc độ, ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Mặc dù đại dịch COVID-19 và những tác động tàn phá của nó, có thể đã đưa Một sức khỏe trở thành phương tiện truyền thông chính thống và xuất hiện trong tâm trí của nhiều người hơn, nhưng rất tiếc, việc triển khai vẫn còn thiếu.

Nếu không có các hoạt động Một sức khỏe thực sự để hiểu và giải quyết một cách hiệu quả các mối đe dọa đối với sức khỏe động vật, con người và môi trường, chúng ta có nguy cơ bị choáng ngợp khi cố gắng đối phó với các trường hợp khẩn cấp xảy ra liên tục hoặc thậm chí đồng thời. Chúng ta nên cố gắng ngăn chặn hoặc ứng phó với các mối đe dọa mới.

Đây là lúc mà quản trị tốt xuất hiện. An toàn sinh học là một vấn đề pháp lý, vì lý do chính đáng, và phải được củng cố bởi nền quản trị mạnh mẽ bao gồm cả luật pháp và chính sách. Tương tự, các phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe cần được lồng ghép vào các thỏa thuận quản trị hiệu quả để tạo ra sự thay đổi lâu dài.
Quản trị quốc tế rất cần thiết để áp dụng cách tiếp cận này và đảm bảo các thay đổi trong chính sách và luật pháp đối với các mối đe dọa toàn cầu. Các cơ quan liên chính phủ giữ một vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo và mô hình hóa sự hợp tác Một Sức khỏe ở cấp cao nhất đối với những mối đe dọa không chỉ giới hạn ở cấp ngành mà còn ở các quốc gia.

Chia sẻ trách nhiệm

Tại Úc, hệ thống an toàn sinh học của chúng tôi được xây dựng dựa trên khái niệm “chia sẻ trách nhiệm”. Có nghĩa là, tất cả những người tham gia hệ thống, bao gồm chính phủ, các khối tư nhân và nhà nước, đều là đối tác và đóng một vai trò quan trọng. Điều này được củng cố bởi hệ thống pháp luật và quản lý; hệ thống phân tích rủi ro đáng tin cậy; các biện pháp kiểm soát an toàn sinh học xuyên suốt và liên tục – bao gồm trước biên giới, tại biên giới và sau biên giới; các hoạt động tuân thủ và thực thi; các kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và phục hồi khẩn cấp quốc gia; và các đánh giá hiệu quả có tính hệ thống cho các hoạt động này.

Có các cơ chế chính thức và không chính thức hỗ trợ hợp tác Một sức khỏe ở một số cấp độ, bao gồm thành viên nông nghiệp tham gia vào Mạng lưới các bệnh truyền nhiễm ở Úc và các hợp tác thú y-nhân y khác nhau. Cùng với vai trò của tôi và của cố vấn trưởng Bảo vệ Thực vật Úc, hiện nay còn có cố vấn trưởng về an toàn sinh học Môi trường Úc. Có sự hợp tác chặt chẽ giữa chúng tôi và Cố vấn trưởng về Y tế của Chính phủ Úc.

Kháng kháng sinh

Một ví dụ về quản trị Một sức khỏe được thực hiện để cải thiện sức khỏe con người và động vật là giải quyết vấn đề gia tăng kháng kháng sinh (AMR) trên toàn cầu. Chính phủ Úc cung cấp dữ liệu kỹ thuật cho các cuộc thảo luận và đánh giá quốc tế liên quan đến kháng kháng sinh.

Ở phạm vi quốc gia, chúng tôi tiếp tục tập trung vào kháng kháng sinh như là một trọng tâm. Vào tháng 3 năm 2020, chính phủ Úc đã thông qua Chiến lược kháng kháng sinh quốc gia -2020 và xa hơn, đặt ra tầm nhìn 20 năm nhằm bảo vệ sức khoẻ của con người, động vật và môi trường khỏi kháng kháng sinh. Kể từ tháng 2 năm 2021, chúng tôi có Chương trình hành động Một sức khỏe tiên tiến (OHMAP) nhằm hỗ trợ quá trình thực hiện chiến lược kháng kháng sinh quốc gia.

Để đảm bảo cam kết liên tục đối với chiến lược, chúng tôi cũng đã phát triển một hệ thống quản trị bao gồm nhóm quản trị kháng kháng sinh và nhóm tư vấn kỹ thuật và chiến lược về kháng kháng sinh ở Úc, nhằm định hướng tổng thể, các ưu tiên, và cách thực hiện để hỗ trợ chiến lược kháng kháng sinh quốc gia.

Tại địa phương, có một số sáng kiến đang được thực hiện, đặc biệt là phát triển và sử dụng các hướng dẫn kê đơn – hướng dẫn kê đơn cho gia cầm đã được ban hành vào tháng 9 năm 2020, đào tạo quản lý thú y thông qua trang web Tổng hợp về kháng kháng sinh trong thú y và sự tham gia của cộng đồng.

Nền tảng của tất cả công việc này là an toàn sinh học.

An toàn sinh học là một thành phần thiết yếu giúp giảm và ngăn ngừa các bệnh động vật tại các trang trại và trong các phòng khám. Do vậy, cũng làm giảm yêu cầu điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Nhìn chung, khi tất cả các thành phần thiết yếu của hệ thống được triển khai, thì tác động và nguy cơ kháng kháng sinh sẽ chỉ duy trì ở mức thấp. Đảm bảo việc sử dụng kháng sinh một cách hợp pháp và bền vững trong y học cho người và động vật là rất quan trọng để giảm thiểu kháng kháng sinh.

Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là vô cùng lớn: kháng kháng sinh, đại dịch, mất an ninh lương thực, các trường hợp khẩn cấp về môi trường và các vấn đề chưa xuất hiện. Giải pháp duy nhất là tập hợp tất cả các ngành và lĩnh vực liên quan – bao gồm các chuyên gia sức khỏe và môi trường, các nhà xã hội học và nhà kinh tế – trong khung Một sức khỏe.

An toàn sinh học tại trang trại hay ở phòng khám thú y và ở cấp quốc gia là một đóng góp thiết yếu, và đó là lý do tại sao việc xây dựng các tiêu chuẩn thông qua các cơ quan liên chính phủ như OIE và Codex là rất quan trọng. Các cơ quan này không chỉ hỗ trợ thương mại, mà còn củng cố và hỗ trợ nâng cao an toàn sinh học, và chỉ ra những lợi ích mà các tiêu chuẩn này mang lại. Chúng ta phải kiên định với các tiêu chuẩn và tất cả chúng ta đều tuân thủ theo các qui định này.