CÁC THÔNG TIN CHÍNH
  • Dân số hiện tại của Việt Nam là 97,6 triệu người, dự kiến sẽ đạt 107 triệu người vào năm 2030, với một nửa dân số sống ở thành thị và thành phố
  • Số lượng gia cầm của cả nước là 512,7 triệu con với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến là 4% cho đến năm 2030.
  • Mức tiêu thụ thịt gia cầm trung bình mỗi người trong năm 2017 là 13kg. Ước tính mức tiêu thụ sẽ tăng lên 17kg vào năm 2027.
  • Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là 271,2 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 6,6% trong năm 2021.
  • Một nửa số trang trại chăn nuôi gia cầm và 70% số hộ chăn nuôi nhỏ phải giảm qui mô chăn nuôi gia cầm trong đại dịch COVID-19.
chicken on market stall in vietnam
Quầy hàng ở chợ, Việt nam. Ảnh: Giel Ton

Mặc dù đại dịch cúm gia cầm tấn công Việt Nam vào cuối năm 2003 và hiện nay vi rút cúm vẫn còn tồn tại, tổng đàn gia cầm ở Việt Nam tăng trưởng trung bình 5,6% trong 10 năm qua (2010-2020). Dự kiến đàn gia cầm sẽ đạt trên 500 triệu con vào năm 2025, với sản lượng trứng đạt khoảng 18 tỷ quả.

Kiểm soát cúm gia cầm

Sự tồn tại của bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cũng như các bệnh động vật khác, có  tác động đáng kể đến sự phát triển của ngành chăn nuôi. Đặc biệt là sự xuất hiện của bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) vào đầu năm 2019 được dự báo sẽ có tác động lớn đến ngành chăn nuôi gia cầm. Khi người tiêu dùng chuyển từ thịt lợn sang các loại thịt khác như thịt gà, sẽ dẫn đến tăng số lượng đàn gà và làm gia tăng nguy cơ cúm gia cầm.

Chính phủ Việt Nam, phối hợp với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kì (USAID), đã triển khai các chương trình kiểm soát dịch bệnh động vật quốc gia giai đoạn 2019-2025. Mục tiêu của các chương trình này nhằm hạn chế dịch bệnh động vật, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và phát triển chuỗi cung ứng an toàn.

Tuy nhiên, hầu hết người chăn nuôi ở Việt Nam có quy mô chăn nuôi nhỏ và chưa chú trọng các vấn đề an toàn sinh học. Khu vực chăn nuôi thường ở gần khu dân cư, gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh.

Việc buôn bán gia cầm bất hợp pháp dọc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng một thách thức đối với Việt Nam.

Các ổ dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra lẻ tẻ ở các tỉnh thành. Ba chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao đang lưu hành tại Việt Nam là cúm A/H5N1, cúm A/H5N6, và cúm A/H5N8. Vi rút cúm A/H5N8 đã xuất hiện tại Việt Nam từ giữa tháng 6 năm 2021 và lây lan cho 10 tỉnh, thành phố. Hơn 23000 con gia cầm đã bị tiêu hủy.

farmers on chicken farm Vietnam
Trại chăn nuôi gà quy mô nhỏ. Ảnh: Nguyen Van Dai

Chăn nuôi gia cầm

Khoảng 70% tổng số gà ở Việt Nam được nuôi trong các hộ gia đình và chủ yếu cho mục đích thương mại. Các hộ chăn nuôi gà cung cấp 60% sản lượng trứng của cả nước. Số lượng gà trong các hộ gia đình dao động từ một vài con (nhỏ lẻ) đến 2.000 con, với qui mô đàn phổ biến là vài trăm con.

Phần lớn sản lượng gà còn lại là do các trang trại quy mô trung bình (2.000-5.000 con) cung cấp. Tuy nhiên, số lượng trang trại nuôi từ 8.000-15.000 con đang gia tăng. Ngoài ra còn có một số trang trại hợp đồng với qui mô đàn phổ biến là 4.000-5.000 con. Đây là những trang trại gia cầm chăn nuôi gia công cho các công ty thức ăn, thuốc và giống gia cầm. Những trang trại lớn chủ yếu nuôi các giống gà ngoại và các giống lai trong khi các giống gà bản địa và các giống lai chủ yếu được chăn nuôi trong các hộ gia đình.

Gia cầm thường được xuất bán trực tiếp cho thương lái ngay tại cổng khu vực chăn nuôi, hoặc thông qua các hợp tác xã chăn nuôi, hay các công ty hợp đồng. Các công ty này thường có lò mổ và nhà máy chế biến riêng.

Sinh kế và xuất khẩu

Đối với các gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ và các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi gia cầm cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng cho gia đình. Nó cũng có thể đóng góp tới 30%thu nhập cho gia đình, cung cấp tiền để chi trả cho quần áo, học phí và nhiều chi phí khác của gia đình.

Đối với các trang trại vừa và lớn hơn, chăn nuôi gia cầm đóng góp phần lớn thu nhập của gia đình và tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ, người trung niên và người già. Những người này đã nghỉ việc ở các nhà máy do tuổi tác và áp lực công việc, và họ hầu như không có cơ hội để có các công việc khác.

Việc xuất khẩu các sản phẩm gia cầm trong tương lai được kì vọng sẽ đạt 15-20% sản lượng thịt và trứng gia cầm sản xuất tại Việt Nam.

Đại dịch Covid-19

Theo hiệp hội gia cầm Việt Nam, số lượng gia cầm của cả nước đã giảm 36,3%, từ 512,7 triệu con vào tháng 6 năm 2020 xuống 326,8 triệu con vào tháng 6 năm 2021. Số lượng gà giảm 35% từ 409,5 triệu con xuống còn 266,2 triệu; sản lượng trứng giảm 20% từ 16,7 tỉ quả xuống 13,3 tỉ quả.

Khoảng một nửa số trang trại chăn nuôi gia cầm và 70% số hộ chăn nuôi nhỏ phải giảm qui mô chăn nuôi hoặc tạm thời ngừng tái đàn do đại dịch COVID-19. Giá thức ăn gia cầm tăng khoảng 30%.

Giá các sản phẩm gia cầm tiếp tục biến động lớn. Khi số ca nhiễm COVID-19 tăng và qui định giãn cách xã hội được áp đặt, giá của các sản phẩm gia cầm giảm, đặc biệt là giá gà thịt công nghiệp trắng giảm hai phần ba. Khi các hộ chăn nuôi ngừng tái đàn do tác động của dịch COVID-19, nguồn cung cấp gia cầm thiếu hụt, giá các sản phẩm có thể tăng 50-100%.

Diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 và các qui định giãn cách xã hội hay hạn chế đi lại được áp đặt trong mỗi đợt dịch tiếp tục ảnh hưởng đến chăn nuôi và các mạng lưới phân phối gia cầm. Người chăn nuôi gia cầm e ngại tái đàn dẫn đến nguồn cung thiếu hụt. Hoặc nhiều hộ chăn nuôi gia cầm đồng loạt tái đàn làm tăng nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm.

Tương lai

Sau COVID-19, các phương thức buôn bán gia cầm có thể đa dạng hơn bởi vì một số người tiêu dùng đã hình thành thói quen mua bán trực tuyến. Đây là cơ hội để mở rộng hình thức bán các sản phẩm gia cầm trực tuyến. Sự đa dạng trong các kênh phân phối gia cầm có thể làm giảm áp lực cho mạng lưới phân phối truyền thống khi mà chúng phù hợp hơn với trạng thái “bình thường mới”. Các hộ chăn nuôi gia cầm tham gia chuỗi liên kết từ “trang trại đến bàn ăn”, tăng cường an toàn sinh học và/hoặc liên kết với các công ty thức ăn/giống gia cầm có thể duy trì sản xuất, phân phối, và giá sản phẩm gia cầm ổn định.

Ban điều phối dự án tại Việt Nam

VU DINH Ton

Ton Dinh Vu

Animal science and rural development researcher

Vietnam National University of Agriculture
Dr Pham Thi Thanh Hoa

Hoa Thi Thanh Pham

Researcher in veterinary epidemiology, poultry and swine production, and animal health economics

Centre de Coopération Internationale en Recherche Agronomique pour le Developpment (CIRAD)