Kết quả nghiên cứu và cơ hội hợp tác trong tương lai được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết Dự án nghiên cứu gia cầm một sức khỏe
Published on 04/04/2024
View this page in:
EnglishĐội ngũ cán bộ Dự án tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án với sự tham gia của 90 đại biểu từ các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu, và khu vực tư nhân. Tại Hội nghị, kết quả nghiên cứu của Dự án được trình bày và thảo luận đồng thời hướng hợp tác của các nhóm nghiên cứu và các bên liên quan trong tương lai cũng được đề xuất.
Hội nghị tổng kết được tổ chức tại thành phố Hạ Long, phía Bắc Việt Nam, vào ngày 23 tháng 3 năm 2024. Các kết quả nghiên cứu của Dự án được trình bày ở 2 phần. Phần thứ nhất bao gồm kết quả về mạng lưới sản xuất và phân phối gia cầm, các vấn đề về giới, kết quả về cúm gia cầm và mầm bệnh gây ngộ độc thực phẩm. Phần thứ hai tập trung vào các kết quả nghiên cứu về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh.
Các kết quả nghiên cứu chính ở Việt Nam
Các kết quả của Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chính sách và đề xuất biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể là:
- Kết quả nghiên cứu về cúm gia cầm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập huấn cho người dân không chỉ về bệnh do vi khuẩn và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi mà còn về sự đa dạng của vi rút gây bệnh (ví dụ: bệnh cúm gia cầm do vi rút H9N2, H5N1) và những biến đổi của sự lây truyền vi rút. Việc tập huấn toàn diện như vậy sẽ giúp người chăn nuôi nâng cao kỹ thuật phòng và kiểm soát dịch bệnh.
- Kết quả nghiên cứu về tồn dư kháng sinh và kháng kháng sinh có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sản phẩm gia cầm.
Tiến sĩ Francois Roger, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Pháp (CIRAD) đã phát biểu khai mạc Hội nghị. Ông nói:
Dự án nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe tại Việt Nam cho thấy một nỗ lực vượt trội để giải quyết các vấn đề phức tạp mà ngành chăn nuôi gia cầm đang phải đối mặt thông qua nghiên cứu, hợp tác, và áp dụng cách tiếp cận Một sức khỏe. Các kết quả và hoạt động của Dự án đã đóng góp thông tin quí báu và giải pháp thực tế để tăng cường tính an toàn và bền vững của ngành chăn nuôi gia cầm, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho con người và môi trường.
Ông nhấn mạnh: “Dự án đã nỗ lực tích hợp khoa học xã hội vào các nghiên cứu ngay từ lúc bắt đầu triển khai. Điều này rất đáng ghi nhận và cần duy trì trong các dự án tiếp theo trong khuôn khổ nghiên cứu”.
Nghiên cứu trong tương lai
Nhóm nghiên cứu của Dự án tại Việt Nam và các nước khác sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu của Dự án để tìm ra những kết quả có lợi cho sức khỏe con người và động vật ở các nước nghiên cứu và trên toàn cầu. Dự án sẽ cung cấp nền tảng cho các nhóm nghiên cứu tiếp tục hợp tác với nhau.
Tại Hội nghị, cán bộ nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y, tổ chức CIRAD đã thảo luận với các nhà khoa học của trường Đại học Thú y Hoàng gia, Viện nghiên cứu Pirbright, và Viện Nghiên cứu Phát triển, Vương quốc Anh về hợp tác nghiên cứu trong tương lai. Hướng nghiên cứu tập trung vào phát triển vắc xin cúm gia cầm, các khía cạnh xã hội và tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm.
Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của trường Đại học Oxford (OUCRU)) và các cơ quan thú y địa phương cho biết: họ sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, và các kết quả nghiên cứu với nhóm nghiên cứu của Dự án. Các bước hiện nay đang được thực hiện là đảm bảo các nhà nghiên cứu và các bên liên quan có các thông tin liên lạc với nhau.
Các đại biểu tham gia Hội nghị đến từ các cơ quan quản lí ở trung ương và địa phương như Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Chi cục Chăn nuôi Thú Y ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, và Hải Dương. Đại diện các tổ chức quốc tế gồm Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Viện Nghiên cứu Vật nuôi quốc tế (ILRI), OUCRU, FHI 360, và đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã tham dự Hội nghị cùng với các đại biểu từ Mạng lưới Một sức khỏe của các trường đại học và khu vực tư nhân (hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, chủ các lò giết mổ gia cầm).