Nhóm nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên cứu Gia cầm Một Sức Khỏe (OHPH) tại Việt Nam đã tổ chức thành công buổi hội thảo về các bệnh gia cầm và các biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả cũng như chia sẻ những kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm nghiên cứu.

Tham dự hội thảo bao gồm các cán bộ thú y của các Chi Cục chăn nuôi, thú y và trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở 5 tỉnh phía Bắc Việt Nam, đại diện các công ty 3F (thức ăn chăn nuôi – trang trại – thực phẩm), người chăn nuôi gia cầm và các nhà nghiên cứu đến từ Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại Việt Nam và Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển Bền vững-viện đã tiến hành nghiên cứu về Một sức khỏe và dịch bệnh gia cầm.

Giáo sư Vũ Đình Tôn, điều phối viên của dự án OHPH tại Việt Nam, đã có bài phát biểu khai mạc hội nghị. Giáo sư Tôn đã tóm lược tình hình dịch bệnh gia cầm trong những năm gần đây và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp tại cơ sở chăn nuôi gia cầm nhằm giảm thiểu dịch bệnh và kháng kháng sinh. Tiến sĩ Daan Vink, quản lí dự án OHPH, bày tỏ sự vui mừng khi tham dự hội thảo và gặp gỡ các đối tác Việt Nam.

Giáo sư Phạm Ngọc Thạch từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày về ba nhóm bệnh do vi rút, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra trên gà, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán và kiểm soát hiệu quả các nhóm loại bệnh này.

Bệnh cúm gia cầm

Giáo sư Thạch cho biết để đạt được hiệu quả cao trong chăn nuôi gia cầm, cần đảm bảo 3 yếu tố: có con giống tốt, chất lượng thức ăn tốt, và quản lý dịch bệnh tốt. Hơn nữa, những điều này cần được lồng ghép trong các nguyên tắc an toàn sinh học và thực hành chăn nuôi tốt.

Một thách thức trong chăn nuôi gia cầm là dịch cúm gia cầm. Bệnh cúm gia cầm không chỉ làm tăng tỉ lệ gia cầm chết mà còn khó phân biệt với các bệnh khác. Người chăn nuôi sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị cho gia cầm nhiễm bệnh và chỉ sau khi thử nhiều cách điều trị mà không có hiệu quả, họ mới tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia thú y. Kết quả là, Giáo sư Thạch cho biết, người chăn nuôi phải chịu thiệt hại đáng kể không chỉ do tỉ lệ gia cầm chết cao mà còn do chi phí sử dụng thuốc cao.

Ông nói thêm rằng những quan niệm sai lầm và sự hiểu biết hạn chế của người chăn nuôi gia cầm về mầm bệnh và cơ chế gây bệnh dẫn đến việc quản lý dịch bệnh không hiệu quả, sử dụng thuốc không phù hợp, và có thể thúc đẩy sự kháng thuốc. Người chăn nuôi thường sử dụng kháng sinh cho cả đàn để phòng các bệnh đường hô hấp, bệnh đường ruột khi thời tiết thay đổi hoặc khi trong đàn chỉ có một vài con bị bệnh.

Giám sát dịch bệnh

Tiến sĩ Pawin Padungtod đến từ FAO Việt Nam đã tóm lược về tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay và một số kết quả giám sát bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam.

Ông cho biết, việc giám sát bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam được thực hiện thông qua điều tra ổ dịch và giám sát chợ gia cầm sống ở các tỉnh có nguy cơ cao. Tuy nhiên rất khó để loại bỏ cúm gia cầm vì đã có nhiều phân nhóm và chủng vi-rút xuất hiện trên toàn cầu. Các chủng vi rút chính được phát hiện ở Việt Nam là vi rút H5N1, H5N6 và H5N8.

Cuối cùng, nghiên cứu viên của dự án OHPH, thạc sĩ Nguyễn Huyền Trang đã trình bày kết quả phân lập vi rút cúm gia cầm và các mầm bệnh lây truyền qua thực phẩm (Salmonella, Campylobacter và E. coli) do Viện thú y thực hiện.

Thạc sĩ Trang đã tóm lược phương pháp nghiên cứu và chia sẻ những kết quả ban đầu của dự án. Kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ lưu hành của vi rút cúm gia cầm (gen M) cao nhất ở các cơ sở giết mổ (35%), tiếp theo là chợ (28%) và thấp nhất ở trang trại (8%).

Chủng vi rút cúm gia cầm độc lực thấp (H9N2) được phát hiện tại các điểm giết mổ, chợ, lò mổ công nghiệp, và trang trại với tỉ lệ lần lượt là 29%, 12%, 8% và 4%, trong khi chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao (H5N1) chỉ phát hiện được ở một mẫu lấy tại điểm giết mổ.

Tiếp theo bài trình bày là phần thảo luận chung của các đại biểu.

Đại diện cán bộ thú y từ các tỉnh và các công ty 3F đã chia sẻ những khó khăn trong việc kiểm soát bệnh cúm gia cầm và các bệnh về đường hô hấp, đồng thời bày tỏ sự quan tâm đến những nội dung trình bày trong hội thảo. Thông tin về các chủng vi rút cúm gia cầm và chiến lược tiêm phòng cho các trại chăn nuôi gia cầm rất hữu ích để giảm thiểu dịch bệnh trên đàn gia cầm. Dịch bệnh gia cầm gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và một số bệnh còn có thể lây truyền sang người.