Một loạt các buổi hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu bước đầu của dự án Nghiên cứu Gia cầm Một sức khỏe (OHPH) và thảo luận các vấn đề liên quan đã được tổ chức tại Hà Nội. Kết quả thảo luận trong hội thảo là những dữ liệu thực tế có thể đóng góp cho quá trình tham mưu xây dựng các chính sách tại Việt Nam.

Chủ đề của các buổi hội thảo bao gồm quản lí bệnh gia cầm nói chung và đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và kháng kháng sinh, và Một sức khỏe. Đây là những vấn đề quan trọng để phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững và cũng là vấn đề đang được chính phủ Việt Nam quan tâm giải quyết trong mục tiêu đảm bảo chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn ở Việt Nam.

Các buổi hội thảo được tổ chức sau chuỗi Tọa đàm trực tuyến về “Lộ trình Một sức khỏe hướng đến tương lai của gia cầm, con người, và hành tinh” của OHPH và được coi như là “Lộ trình Một sức khỏe ở cấp quốc gia” của dự án tại Việt Nam.

Mỗi buổi hội thảo kéo dài 3 giờ với ba bài trình bày và phần thảo luận chung của 40 đến 50 đại biểu tham dự hội thảo. Tham dự hội thảo gồm đại diện đến từ các cơ quan quản lí nhà nước (Cục Thú y, Cục Chăn nuôi), các tổ chức quốc tế (tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), Tổ chức Phát triển quốc tế Đức (GIZ)), cán bộ thú y từ các Chi Cục chăn nuôi thú y các tỉnh phía Bắc, khu vực tư nhân (công ty thức ăn chăn nuôi, công ty thuốc thú y, hiệp hội chăn nuôi và trang trại, người chăn nuôi và thương lái).

Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan gặp gỡ và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm. Kết quả Hội thảo được tổng hợp như sau:

Quản lí bệnh gia cầm

Bệnh cúm gia cầm (AI) là căn bệnh phức tạp, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm, và rất khó để loại bỏ hoàn toàn. Bệnh đã lây lan khắp thế giới và đã có rất nhiều chủng, biến chủng vi rút xuất hiện. Ở Việt Nam, bệnh cúm gia cầm xuất hiện rải rác với các triệu chứng không điển hình và rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp hay bệnh đường tiêu hóa khác. Trong một số trường hợp, hai chủng vi rút cúm gia cầm cùng đồng thời được phát hiện trong một ổ dịch (chủng độc lực cao và/hay chủng độc lực thấp). Người chăn nuôi gia cầm thường không phát hiện ra bệnh và dùng các loại thuốc kháng sinh không phù hợp để điều trị bệnh. Điều này gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi gia cầm.

Giám sát bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam được tiến hành thông qua điều tra ổ dịch và giám sát chợ gia cầm ở các tỉnh có nguy cơ cao. Các chủng vi rút cúm gia cầm phát hiện được chủ yếu là H5N1, H5N6, H5N8, và H9N2. H5N1 và H5N6 lưu hành ở cả 7 vùng của Việt Nam (H5N1 đã xuất hiện và lưu hành từ năm 2003, H5N6 được phát hiện từ năm 2014) trong khi đó H5N8 được phát hiện ở phía Bắc Việt Nam từ tháng 6 năm 2021.

H9N2 được phát hiện ở các điểm khác nhau trong chuỗi cung ứng gà. Kết quả của dự án OHPH cho thấy bằng chứng khoa học về sự gia tăng của vi rút từ trang trại đến điểm cuối của chuỗi cung ứng. Tỉ lệ nhiễm H9N2 tăng từ 4% ở trại gà đến 16% ở chợ bán lẻ gia cầm, và lên đến 30% ở cơ sở giết mổ gia cầm. Không phát hiện vi rút cúm chủng H7 ở Việt Nam từ năm 2014.

Cơ quan thú y và y tế của Việt Nam vẫn đang phối hợp với các tổ chức quốc tế để giám sát bệnh cúm gia cầm và các mầm bệnh có tiềm năng gây ra đại dịch.

Quản lí bệnh gia cầm, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam vẫn là một thách thức do an toàn sinh học tại cơ sở chăn nuôi gia cầm và hiểu biết của người chăn nuôi về mầm bệnh và cơ chế gây bệnh vẫn còn hạn chế. Khoảng 60 % tổng đàn gia cầm là từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khi an toàn sinh học ở các hộ chăn nuôi vẫn chưa được thực hiện tốt. Người chăn nuôi điều trị bệnh gia cầm dựa theo kinh nghiệm hay theo tư vấn của người bán thuốc thú y. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt các bệnh do sự biến chủng của vi rút hay sự kết hợp của các mầm bệnh. Do vậy, người chăn nuôi thường dùng kháng sinh phổ rộng để điều trị bệnh. Họ chỉ tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia thú y hay lấy mẫu xét nghiệm sau khi đã điều trị mà không có kết quả.

Việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tại cơ sở chăn nuôi gia cầm thường không đồng bộ và thường xuyên. Mặc dù có nhiều tài liệu và các lớp tập huấn về an toàn sinh học, các biện pháp cách li và kiểm soát ra vào trại chăn nuôi vẫn chưa được áp dụng chặt chẽ.

Sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh

Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm là mối quan tâm lớn ở Việt Nam. Kháng sinh không còn được các công ty thức ăn chăn nuôi sử dụng làm chất kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, sự sẵn có của thuốc kháng sinh, thiếu thông tin về kháng kháng sinh, và tâm lí lo lắng về dịch bệnh- người chăn nuôi muốn gà của họ nhanh chóng khỏi bệnh- đã dẫn đến việc lạm dụng thuốc.

Việt Nam có khoảng 83 công ty sản xuất thuốc thú y và 18 000 cửa hàng thuốc thú y trên toàn quốc. Người chăn nuôi có thể mua thuốc thú y ở các cửa hàng hay thông qua nhân viên thị trường của các công ty thuốc. Người chăn nuôi cũng không biết loại kháng sinh nào đã bị kháng và kháng sinh nào vẫn còn hiệu quả trong trang trại của họ. Do vậy, họ thường tăng liều lượng, đổi loại kháng sinh khác, hay kết hợp một số loại kháng sinh khi điều trị lần đầu không hiệu quả. Kết quả là, mặc dù Việt Nam có các Thông tư, Nghị định về sử dụng kháng sinh và kê đơn nhưng việc kiểm soát sử dụng kháng sinh ở cơ sở chăn nuôi vẫn còn là thách thức.

Theo kết quả nghiên cứu bước đầu của dự án OHPH, kháng sinh được phát hiện trong 82% mẫu thịt gà. Tỉ lệ thịt gà có dư lượng kháng sinh bằng hay vượt ngưỡng cho phép chiếm từ 7% đến 19%. Trong 9 loại kháng sinh được phát hiện trong thịt gà có một loại kháng sinh nằm trong nhóm B. Theo xếp loại của Tổ chức Y tế thế giới, đây là nhóm kháng sinh đặc biệt quan trọng nên hạn chế sử dụng cho động vật. Các loại kháng sinh như sulfonamides và quinolones cũng được phát hiện ở lông gà với tỉ lệ tương ứng là 70% và 50%. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan ngại đối với sức khỏe cộng đồng cũng như hiện trạng sử dụng và sự hiện diện của thuốc kháng sinh trong môi trường.

Đã có một số nghiên cứu về các biện pháp giảm thiểu sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh ở Việt Nam. Các biện pháp bao gồm tăng cường an toàn sinh học và thực hành chăn nuôi tốt, hỗ trợ người chăn nuôi trong chẩn đoán bệnh, và khuyến khích người chăn nuôi sử dụng chất thay thế kháng sinh như (thảo dược, men vi sinh). Nghiên cứu cho thấy những biện pháp này mang lại kết quả tốt (giảm kháng sinh sử dụng, giảm tỉ lệ gia cầm chết, tăng khối lượng gà). Tuy nhiên, cần có các giải pháp để khuyến khích người chăn nuôi áp dụng các biện pháp giảm thiểu kháng sinh vì người chăn nuôi cho rằng các biện pháp này đều có chi phí cao.

Một sức khỏe và chăn nuôi bền vững

Trong 15 năm qua, tổng đàn gia cầm của Việt Nam phát triển ổn định với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 6%. Hệ thống chăn nuôi gia cầm từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ sang chăn nuôi với qui mô lớn. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gia cầm.

Tuy vậy, chăn nuôi gia cầm vẫn còn nhiều khó khăn như dịch bệnh, vấn đề an toàn thực phẩm, chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến, và thị trường còn yếu, chi phí đầu vào cho chăn nuôi cao, và đất đai còn hạn chế.

Để phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững, cần phải:

  • Hạn chế dịch bệnh trên đàn gia cầm
  • Quản lí hiệu quả kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi
  • Ổn định thị trường trong nước
  • Tăng xuất khẩu các sản phẩm gia cầm

Tăng cường hợp tác giữa các ngành (y tế, thú y, xã hội, môi trường, công thương), các lĩnh vực (khoa học, quản lí, và dịch vụ tư nhân), các địa phương, và các quốc gia là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu trên.

Một sức khỏe và cách tiếp cận Một sức khỏe đã được đề xuất rất nhiều trong thời gian gần đây nhưng khái niệm này rất chung chung và rất rộng. Điều quan trọng là phải kết nối khái niệm này với việc đánh giá các vấn đề sức khỏe cụ thể để có thể thuyết phục các bên liên quan và cộng đồng, đồng thời giúp họ nhận biết và tránh các nguy cơ một cách chủ động. Dự án OHPH sẽ làm được điều này và từ đó góp phần vào sự phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn và bền vững hơn ở Việt Nam và trên toàn cầu.