Ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do những thay đổi khó lường của đại dịch COVID-19. Số ca nhiễm mới trong ngày 13/10/2021 là 3.461 ca. Số ca nhiễm lũy kế cho đến ngày 14/10/2021 là 849.691. Quảng Ninh, thành phố biển nằm ở phía đông bắc của Việt Nam nơi chúng tôi thực hiện chuyến nghiên cứu thực địa, không có ca nhiễm Covid mới trong hơn 100 ngày qua. Nhưng dịch Covid vẫn có những ảnh hưởng đến sự phát triển chăn nuôi ở đây.

Các dịch vụ du lịch bao gồm nhà hàng, khách sạn đã đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động, vì vậy tiêu thụ thịt gia cầm giảm 30-50%, đồng thời việc phân phối các sản phẩm gia cầm cũng rất khó khăn. Việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi, giống gia cầm, và các sản phẩm gia cầm giữa các vùng cũng gặp trở ngại.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 30% so với trước đại dịch do nhập khẩu các nguyên liệu thức ăn bị đình trệ, chi phí vận chuyển và logistic tăng, trong khi đó giá bán gia cầm giảm nhẹ từ 60 000 đồng/kg xuống còn 55 000 đồng/kg.

Kiểm soát COVID-19

Nhóm nghiên cứu của chúng tôi ở Viện Chăn nuôi Quốc gia đã đến Quảng Ninh để triển khai nội dung phỏng vấn người bán gà tại các chợ trong 6 ngày. Đây là một phần trong nghiên cứu truy vết nhằm thu thập các dữ liệu về sự vận chuyển gia cầm trong mạng lưới sản xuất và buôn bán gia cầm. Kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp xác định các điểm để lấy mẫu gia cầm.

Mặc dù tình hình dịch Covid ở Quảng Ninh đã được khống chế, việc kiểm soát người ra vào tỉnh vẫn được thực hiện chặt chẽ. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã được tiêm phòng 2 mũi vắc xin Covid và có kết quả kiểm tra PCR âm tính. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải khai báo y tế rất chi tiết và đợi 3 giờ tại điểm kiểm soát để hoàn thành các thủ tục vào tỉnh.

Điều tra về gia cầm

inteviewing in a chicken market
Phỏng vấn người bán gia cầm tại chợ ở Quảng Ninh. Ảnh: Viện chăn nuôi, Việt Nam

Tỉnh Quảng Ninh có khoảng 3,9 triệu con gia cầm, chủ yếu là gà lông màu. Số lượng gia cầm của tỉnh chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, số còn lại được nhập từ các tỉnh khác.

Gia cầm chủ yếu được giết mổ ở các điểm giết mổ nhỏ lẻ, được ngành thú y kiểm soát chặt chẽ. Thịt gia cầm được đưa đến các khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, và trường học trong tỉnh. Hiện chưa có nhà máy giết mổ gia cầm hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình phỏng vấn, chúng tôi thấy, gia cầm sống được bán tại các chợ, một số gia cầm được giết mổ tại chỗ để cung cấp chủ yếu cho người tiêu dùng trực tiếp, một phần nhỏ (10%) được cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn.

Một số người bán hàng cho biết, khi dịch bệnh Covid chưa xảy ra họ có thể cung cấp đến 50% cho các nhà hàng, khách sạn, và trường học, nhưng khi dịch xảy ra lượng khách hàng này giảm hẳn. Mỗi chợ chỉ có 5-10 người bán gia cầm sống, số lượng gia cầm bán được hàng ngày khoảng 10-20 con/người.

Gia cầm được nhập chủ yếu từ các nhà buôn đến từ Bắc Giang, một số nhỏ trang trại tại Quảng Ninh cũng cung cấp cho các hộ bán gia cầm tại chợ. Các hộ bán gà sống tại chợ tập trung ở một khu nhất định, được cung cấp nước và yêu cầu vệ sinh hàng ngày, tiêu độc hàng tuần. Không phát hiện gia ốm và chết tại các khu bán gia cầm sống.

An toàn thực phẩm

Market trader with chickens
Người bán gà tại chợ ở Quảng Ninh. Ảnh: Viện chăn nuôi, Việt Nam

Chúng tôi nhận thấy việc buôn bán gia cầm sống tại chợ tiềm ẩn nhiều rủi do về dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Rất khó để kiểm soát dịch bệnh, các chất tồn dư ở gia cầm sống, và kiểm soát chặt chẽ vệ sinh khi giết mổ gia cầm tại chợ.

Tuy vậy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng thịt gia cầm tươi sống (gia cầm vừa giết mổ xong và không được bảo quản mát) và không thích các sản phẩm đã qua bảo quản mát hay đông lạnh. Vì vậy rất khó để dừng bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm ngay tại chợ.

Gia cầm sống hay đông lạnh

Hơn nữa, nếu người bán gia cầm chỉ giết mổ một số lượng nhỏ gia cầm như hiện tại, họ không muốn đến các cơ sở giết mổ tập trung hay lò mổ bên ngoài chợ vì khoảng cách xa và mất thời gian và chi phí. Nếu giết mổ số lượng gia cầm nhiều hơn, người bán gia cầm sẽ không bán hết trong ngày và phải bảo quản đông lạnh những gia cầm đã giết mổ còn dư lại. Sau đó, họ sẽ rất khó bán sản phẩm gia cầm đông lạnh này trong ngày tiếp theo.

Chính vì vậy, việc giết mổ gia cầm cần phải được nghiên cứu thêm để tạo điều kiện xây dựng các điểm giết mổ nhỏ lẻ vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa thuận lợi cho người tiêu dùng hàng ngày. Các lò mổ công nghiệp cũng cần được xây dựng để phục vụ chủ yếu cho các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp, và trường học.

Làm được điều này rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho người dân và đàn gia cầm, đảm bảo sinh kế cho người chăn nuôi và thương lái ở Quảng Ninh, và cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Các điểm nguy cơ

Dự án nghiên cứu Một sức khỏe gia cầm đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2019 nhằm xác định các điểm có nguy cơ dịch bệnh cao trong mạng lưới sản xuất và buôn bán gia cầm, đồng thời nghiên cứu mối liên kết giữa hành vi của con người, điều kiện kinh tế xã hội và văn hóa với quá trình phát sinh dịch bệnh. Kết quả nghiên cứu của dự án, bao gồm cả kết quả nghiên cứu ở Quảng Ninh, sẽ góp phần xây dựng các biện pháp can thiệp tiên tiến và các chính sách để kiểm soát dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như là bệnh Cúm gia cầm.

Khi chúng tôi thực hiện nghiên cứu trong điều kiện hạn chế do đại dịch Covid, tầm quan trọng của nghiên cứu như vậy đối với chúng tôi càng trở nên rõ ràng hơn.